Mỹ kiểm soát nguồn cung cho kế hoạch 5G Huawei

Mỹ kiểm soát nguồn cung cho kế hoạch 5G Huawei

Các công ty sử dụng công nghệ của Mỹ sẽ được tiếp tục bán hàng cho Huawei nếu như không liên quan đến phát triển công nghệ 5G.

Financial Times đưa tin, Bộ Thương mại Mỹ vừa có cuộc đàm phán với các nhà sản xuất chất bán dẫn và đưa ra một số hướng dẫn cụ thể liên quan đến việc cấp phép giấy phép được tiếp tục hoạt động thương mại với công ty công nghệ viễn thông Trung Quốc Huawei.

Mỹ sẽ nới cho Huawei phát triển smartphone: Tự cứu chính mình?

Theo một giám đốc công ty bán dẫn tiết lộ với tờ báo Mỹ, Bộ Thương mại Mỹ đã khẳng định sẽ cấp phép cho các công ty được tiếp tục kinh doanh miễn là họ chứng minh được công nghệ của họ bán cho Huawei là không hỗ trợ phát triển công nghệ 5G.

Sau khi chính quyền Trump tăng cường các hạn chế đối với nhà sản xuất thiết bị viễn thông và điện thoại thông minh hàng đầu của Trung Quốc, mà Mỹ coi là mối đe dọa an ninh, các nhà sản xuất đã phải xin giấy phép để bán cho Huawei các sản phẩm được sản xuất ở nước ngoài bằng công nghệ hoặc phần mềm của Mỹ. Động thái này đe dọa hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của Huawei, vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung chip.

Lệnh cấm này rõ ràng đã ảnh hưởng rất lớn đến không chỉ Huawei (người mua công nghệ Mỹ) mà tác động mạnh mẽ đến các công ty Mỹ (người bán công nghệ Mỹ). Không muốn để mất một khách hàng lớn, các công ty đã vội vàng để có được những quyền đó. Samsung của Hàn Quốc được cho là đã giành được giấy phép từ chính phủ Mỹ để bán “một số sản phẩm của mình” – cụ thể là điốt phát quang hữu cơ hoặc màn hình OLED – cho Huawei.

Tháng trước, Intel và AMD cũng được cho là đã nhận giấy phép để tiếp tục bán một số nguồn cung chip cho công ty công nghệ Trung Quốc.

Financial Times dẫn lời các giám đốc điều hành tại hai công ty bán dẫn châu Á cho biết họ rất lạc quan về việc nhận được giấy phép từ chính quyền Mỹ thời gian tới.

“Chúng tôi đã chỉ ra rằng chip cho thiết bị di động không phải là vấn đề liên quan đến chiến lược phát triển hạ tầng 5G của Huawei” – một vị nói.

Một số nhà phân tích cho rằng việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt có thể tạo điều kiện phục hồi hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của hãng công nghệ Trung Quốc, trong khi nhánh phát triển hạ tầng 5G vốn được coi là hoạt động xương sống của Huawei vẫn có thể bị đe dọa.

Bình luận về cuộc đàm phán của Bộ Thương mại Mỹ và các công ty cung cấp chất bán dẫn dùng công nghệ Mỹ, ông Edison Lee, nhà phân tích tại Jefferies cho biết: “Chúng tôi tin rằng đây là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy Mỹ có ý định cho phép Huawei tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị di động.”

Các biện phát siết chặt hơn nữa của chính phủ Mỹ trong thời gian gần đây đã ngăn Huawei mua được phần cứng từ bất kỳ công ty nào sử dụng công nghệ Mỹ. Các biện pháp này khiến Huawei đánh mất một đối tác quan trọng, hãng TSMC, công ty sản xuất chip độc quyền Kirin cho điện thoại mới của Huawei.

Hiện tại, Bộ Thương mại Mỹ không đưa ra bình luận chính thức nào về việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt Huawei.

Thực tế cho thấy, người Mỹ cũng nhận thấy họ sẽ để rơi khách hàng vào tay đối thủ. Từ khi Mỹ thi hành lệnh cấm tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei tiếp cận với linh kiện có công nghệ Mỹ, các nhà sản xuất linh kiện điện tử Nhật Bản đã nhận được một làn sóng đơn hàng mới từ các nhà sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) khác.

Tờ báo Nhật Bản Nikkei nói rằng các đối thủ của Huawei đang vội tranh thủ cơ hội hãng này gặp khó khăn để giành thị phần. Ngoài ra, các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc cũng tìm đến nhiều hơn với công nghệ Nhật vì lo ngại rằng Mỹ có thể mở rộng lệnh cấm sang chính họ.

Một nhà máy sản xuất màn hình ở phía Đông Nam Tokyo, chuyên sản xuất tấm màn hình tinh thể lỏng cho smartphone, đang phải hoạt động hết công suất. “Lượng đơn hàng vượt quá cả khả năng sản xuất của nhà máy”, một đại diện của nhà máy này cho biết.

Dòng đơn hàng từ Huawei, nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, đã ngừng lại sau khi lệnh cấm của Washington có hiệu lực từ ngày 15/9. Nhưng nhu cầu từ các hãng đối thủ của Huawei gồm Xiaomi, Oppo và Vivo lại tăng vọt, bù đắp cho mất mát đó.

Gã khổng lồ Trung Quốc này đã tích trữ linh kiện và tăng lượng hàng điện thoại tồn kho để giảm thiểu ảnh hưởng trước mắt từ lệnh trừng phạt của Mỹ, nhưng sự chuẩn bị đó chỉ có thể giúp Huawei đạt mức sản xuất khoảng 190 triệu điện thoại trong 2020, giảm 20% so với năm ngoái.

Theo một số đánh giá, Huawei đang có trong tay lượng linh kiện đủ cho sản xuất trong 6 tháng, và sản lượng của hãng được ho là sẽ bắt đầu sụt giảm từ quý 1/2021 trở đi.

Chưa rõ, với các nới lỏng từ phía Bộ Thương mại Mỹ có thể giúp Huawei định hướng lại chiến lược của họ trong mảng smartphone hay không.

Hải Lâm

Nguồn:

#Huawei #5G #nguồn_cung #bộ_thương_mại_mỹ #chất_bán_dẫn #Edison_Lee #samsung #financial_times #bán_dẫn #KIRIN #trừng_phạt #smartphone #TSMC #lệnh_cấm #chip #nới_lỏng #giấy_phép #AMD #VIVO #đơn_hàng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *